Tanabata – Lễ Hội Ngưu Lang Chức Nữ Ở Nhật Bản
Chắc hẳn bạn đã từng nghe về truyền thuyết ngưu lang chức nữ ở Trung Quốc. Vậy bạn có biết người Nhật cũng có lễ hội để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata (七夕).
Không có một mốc thời gian cụ thể nào về sự ra đời của ngày lễ Tanabata. Người ta cho rằng lễ hội ngưu lang chức nữ du nhập vào Nhật Bản trong khoảng thế kỷ thứ 8 và phổ biến rộng từ thời kỳ Edo. Lễ hội diễn ra trên khắp đất nước Nhật Bản vào ngày mùng 7/7 hàng năm, nhưng phải kể đến 3 thành phố tổ chức lễ hội lớn nhất đó là thành phố Sendai (tỉnh miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa), thành phố Anjou (tỉnh Aichi).
Lễ Tanabata có nguồn gốc từ truyền thuyết về người con gái đã dệt nên dải Ngân hà. Là một câu chuyện về một mối tình lãng mạn về 2 con người yêu nhau nhưng lại bị chia cắt, và họ chỉ được gặp nhau mỗi năm 1 lần vào ngày 7/7.
Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng có một cô con gái tên Tanabata-tsume (Orihime) rất thích dệt lụa. Người hết sức yêu thương và chiều chuộng nàng. Một ngày kia, Tanabata vô tình nhìn thấy một anh chàng chăn bò hết sức tuấn tú tên là Hikoboshi. Nàng đem lòng si mê chàng trai điên cuồng. Yêu chiều con gái, Ngọc Hoàng quyết định cho nàng lấy chàng trai chăn bò. Hai người quá mải mê yêu đương nên suốt ngày chỉ rong chơi và chẳng chịu làm gì cả, người con gái bỏ quên cả khung cửi còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp nơi ở trên trời. Các vị thần hết sức giận dữ và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng sông Ngân và chỉ được gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm. Lễ hội kỷ niệm cuộc gặp gỡ của 2 vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ).
Ngày lễ ngưu lang chức nữ được tổ chức ở rất nhiều quốc gia Châu Á. Nhưng mỗi nước lại có những phong tục, cách kỷ niệm khác nhau. Vào Lễ hội Tanabata, người dân Nhật Bản trồng trước cổng những cành trúc hoặc tre tươi, sau đó treo lên cây những dải giấy ngũ sắc hình chữ nhật. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu: xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen. Trên những mảnh giấy này họ thành tâm viết lên ước nguyện của mình trên đó và cầu nguyện, mong nó sẽ trở thành sự thật. Sau khi lễ hội kết thúc cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi. Cách thức tổ chức lễ hội trải qua thời gian, vị trí địa lý nên ít nhiều có sự khác nhau nhưng điểm chung của lễ hội vẫn là nơi để mọi người gửi gắm những lời cầu nguyện của mình và hy vọng lời cầu nguyện ấy sẽ trở thành hiện thực.
- By admin
- 04/21/2018
- Văn Hóa Nhật Bản